Lịch sử Người Việt tại Nhật Bản

Bia mộ chí sĩ Trần Đông Phong thuộc Phong trào Đông Du, dựng năm 1908

Phong trào Đông Du

Vào đầu thế kỷ 20 khi người Pháp đang đô hộ Đông Dương, nhiều sinh viên người Việt đã tìm sang Nhật Bản theo Phong trào Đông Du của hoàng thân lưu vong Cường ĐểPhan Bội Châu. Đến năm 1908 thì có khoảng hai trăm sinh viên Việt Nam ghi danh theo học tại các trường đại học của Nhật.[7][8] Một số nhỏ sau đó định cư ở lại Nhật, tạo nên hạt mầm của cộng đồng người gốc Việt tuy lúc ấy rất khiêm nhường.

Tỵ nạn

Mãi đến thập niên 1970 sau chiến tranh Việt Nam con số người Việt sang Nhật mới tăng mạnh với làn sóng người tị nạn được Nhật Bản đón nhận,[9] nhóm người này chiếm 70% tổng số Việt kiều ở Nhật vào đầu thế kỷ 21.[4] Việc nhận dân tỵ nạn nước ngoài vào Nhật cũng đánh dấu một thời kỳ mới cho Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trước thập niên 1970, Nhật duy trì chính sách hạn chế người nhập cư để bảo vệ tính thuần chủng của người Nhật nhưng lệ này được nới lỏng kể từ đó trở đi.[4]

Tính đến giữa thập niên 1990 khi trại tạm trú cho người tỵ nạn Đông Dương chính thức đóng cửa thì Nhật Bản đã đón nhận 11.231 người, trong đó có 8.587 người Việt; số còn lại là người Khmerngười Lào. Nhóm người Việt có 625 người là du học sinh thời Việt Nam Cộng hòa bị kẹt tại Nhật khi Sài Gòn thất thủ năm 1975; 3.536 người tỵ nạn thuyền nhân được tàu bè Nhật Bản vớt trên biển; 1.820 người bốc từ trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, và 2606 người nhập cảnh Nhật Bản dưới dạng đoàn tụ ODP của Liên hiệp quốc.[10] Trong số gần chín nghìn người tỵ nạn Đông Dương thì có 1070 (2018) đã vào quốc tịch Nhật Bản.[5]

Người tỵ nạn từ Việt Nam sau năm 1975 phần lớn định cư tại huyện KanagawaHyōgo nơi có trại tạm cư ban đầu. Khi họ rời trại thì người Việt thường tìm đến khu vực đông người Nhật gốc Hàn sinh sống (Zainichi Korean). Dù vậy họ vẫn không mấy thông cảm với người gốc Hàn vì người Hàn đã hội nhập sâu rộng vào xã hội Nhật trong khi người Việt vẫn là cộng đồng non trẻ mới nhập cư.[4] Hai huyện KanagawaHyōgo cho đến năm 2018 vẫn là nơi tập trung người Việt đông nhất: 4.962 và 3.692 người.[5]

Du học và di cư

Vào đầu thế kỷ 21, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có 37.000 người, trong đó có khoảng 17.000 người Việt sinh sống tại Nhật Bản, 17.000 tu nghiệp sinh và 3.000 lưu học sinh. Trước khi Tổng hội người Việt Nam ở Nhật Bản được thành lập, tại Nhật Bản có nhiều tổ chức hội của người Việt hoạt động rất mạnh như Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), Hội Sinh viên Đông Du, Hội người Việt tại vùng Kansai và Hội người Việt vùng Kanto. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này còn bị một số giới hạn do chưa có một tổ chức chung, quy mô, có thể đại diện cho toàn bộ cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Sự ra đời của Hội người Việt Nam tại Nhật Bản đã góp phần giải quyết vấn đề này.

Tổng hội người Việt Nam tại Nhật Bản tiền thân là Hội cựu lưu học sinh tại Nhật Bản được thành lập từ năm 1969, hiện do ông Huỳnh Trí Chánh làm Chủ tịch. Hội đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi ủng hộ trong nước khi đất nước còn bị chia cắt cũng như khi nước nhà thống nhất. Sau này Tổng hội là lực lượng quan trọng trong việc thành lập Hội người Việt Nam Nam ở Nhật Bản.[11]

Mức độ hòa nhập

Người Việt tỵ nạn nhiều khó khăn khi hội nhập vào xã hội Nhật, đặc biệt là trong hai khía cạnh giáo dục và việc làm; trong khi tỷ lệ trình độ trung học phổ thông của người gốc Việt chỉ đạt khoảng 40%, ở Nhật con số là 96,6% cho dân Nhật. Lý do khác biệt được dẫn phần vì hệ thống giáo dục Nhật không thích ứng được với người ngoại quốc, phần vì khác biệt văn hóa sinh hoạt. Sang thế hệ thứ hai thì càng có nhiều cách biệt giữa giới trẻ lớn lên tại Nhật vốn thông thạo tiếng Nhật, trong khi nhóm phụ huynh sinh trưởng tại Việt Nam vẫn bị trở ngại ngôn ngữ.[9]

Phần lớn người gốc Việt giữ nguyên tên tiếng Việt thay vì lấy tên tiếng Nhật. Cho dù có lấy tên Nhật vì nhu cầu mưu sinh, họ vẫn cho là bị đối xử khác biệt vì dùng "tên katakana". Giáo hội Công giáo Rôma đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng người Việt ở Nhật.[4]

Dù sinh sống ở Nhật, cộng đồng người Việt vẫn thường quan tâm đến biến chuyển thời sự tại Việt Nam. Tháng 5 năm 2016 sau vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, gây nhiều bất bình vì nhà chức trách không có biện pháp đối phó cũng không có thông báo gì về nguyên do, hàng trăm người Việt ở Tokyo đã xuống đường giương biểu ngữ kêu gọi mọi người "bảo vệ môi trường".[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người Việt tại Nhật Bản http://www.asahi.com/ajw/articles/AJ201810140029.h... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43730394 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/1605... http://asia.nikkei.com/Spotlight/Cover-Story/Famou... http://www.scmp.com/week-asia/business/article/215... http://www.voatiengviet.com/a/nhat-phat-hien-duong... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150103-dai-loan-tiep-n... http://www.buddhanet.info/wbd/search.php?keyword=v... http://opac.kanto-gakuin.ac.jp/cgi-bin/retrieve/sr... http://www.moj.go.jp/nyuukokukanri/kouhou/nyuukoku...